Điều chỉnh thể chế nhằm thúc đẩy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam

KT&PT Số 179, tháng 5 năm 2012, trang 8-14
Tóm tắt: Tái cấu trúc là thuật ngữ còn có nhiều cách diễn giải khác nhau, nhưng có thể được hiểu theo nghĩa cơ bản là việc xem xét và điều chỉnh, thay đổi để tổ chức, sắp xếp lại một phần, một số phần hay toàn bộ cơ cấu của tổ chức hay đơn vị nào đó nhằm mục tiêu hoạt động hiệu quả hơn hoặc thích ứng với điều kiện hoạt động mới. Như vậy, khi thực hiện tái cấu trúc, trước hết sẽ phải tổ chức, sắp xếp lại cơ cấu các bộ phận, tổ chức (tái cấu trúc định chế), đồng thời để hệ thống các bộ phận, tổ chức đã được sắp xếp lại này hoạt động đồng bộ theo hướng đích mong muốn, cần điều chỉnh, bổ sung các quy định ràng buộc liên quan (tái cấu trúc thiết chế), xây dựng và điều chỉnh bổ sung các quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quá trình tái cấu trúc nói trên (tái cấu trúc thể chế). Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện đang là lực lượng kinh tế có vai trò quan trọng trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế, đồng thời là lực lượng chủ yếu thực hiện gắn kết kinh tế với chính sách xã hội, bảo đảm cung ứng sản phẩm và dịch vụ công ích, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, hiện nay khu vực DNNN đang bộc lộ rõ nhiều mặt hạn chế, yếu kém, có mặt rất nghiêm trọng như: sức phát triển thấp, chưa thật tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt theo định hướng phát triển của Nhà nước, quản lý còn lỏng lẻo, nợ xấu, nợ không có khả năng thanh toán tăng lên, kết quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với các nguồn lực đã có và sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước. Trong điều kiện đó, cộng thêm với ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng và suy thoái kinh tế từ 2007/2008 đến nay, càng đặt ra yêu cầu tái cấu trúc DNNN, đồng thời với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Bài viết này sẽ tập trung chủ yếu vào vấn đề điều chỉnh, bổ sung thể chế nhằm thúc đẩy tái cấu trúc hệ thống DNNN.
Từ khóa: DNNN; vai trò vị trí DNNN; tái cấu trúc DNNN; sắp xếp DNNN; cơ cấu DNNN; thể chế tái cấu trúc DNNN
Tra cứu bài báo