Đánh giá chiến lược xuất khẩu gạo của Việt Nam qua phân tích hiệu ứng giá và lượng xuất khẩu

KT&PT, số 204 tháng 06 năm 2014, tr. 42-47
Tóm tắt: Có hai chiến lược của các quốc gia xuất khẩu gạo: hoặc tăng cường sản xuất để đặt lợi thế vào lượng, hoặc hạn chế khối lượng, đặt lợi thế vào nâng cao chất lượng để phát huy vai trò của giá. Tăng trưởng dựa chủ yếu vào lượng dẫn đến khai thác đất quá mức, sử dụng nhiều phân bón, hóa chất gây ô nhiễm môi trường, sẽ kém bền vững về dài hạn.Kết quả tính toán hiệu ứng giá và lượng trong giai đoạn 2000 – 2011 cho thấy Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dựa vào lượng, trong khi Thái Lan là nước có hiệu ứng giá tốt nhất trên thị trường gạo. Kết quả tính toán hiệu ứng giá và lượng theo quý cho giai đoạn 2009 - 2012 một lần nữa cho thấy xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào lượng. Việt Nam cần nhìn lại chính sách xuất khẩu gạo hiện tại, chuyển hướng phát triển sản xuất nhắm vào gạo chất lượng cao, hơn là tập trung quá nhiều vào gạo phẩm cấp thấp. Nếu tiếp tục chính sách này, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ mạnh như Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác đang xuất khẩu gạo giá thấp. Ngoài ra, tính toán theo quý cũng cho thấy tính chu kỳ trong xuất khẩu gạo của Việt Nam: Việt Nam tăng lượng xuất khẩu khi giá giảm và lại giảm lượng xuất khẩu gạo khi giá thế giới tăng. Do đó, Chính phủ cần quan tâm đến tính chu kỳ trong xuất khẩu gạo để có thể hỗ trợ cho việc lên kế hoạch về lịch trình dự trữ và xuất khẩu để giảm thiểu hiệu ứng giá âm trong các thời điểm giá gạo giảm và tăng lượng gạo xuất khẩu trong thời điểm giá tăng.
Từ khóa: Xuất khẩu gạo, hiệu ứng giá, hiệu ứng lượng
Tra cứu bài báo