Hội thảo Hệ thống trích dẫn khoa học ASEAN và cách thức gia nhập mạng lưới hệ thống dữ liệu trích dẫn quốc tế

Ngày 22/06/2016, tại G2N10, Bộ GD&ĐT đã phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD) tổ chức Hội thảo “Hệ thống trích dẫn khoa học ASEAN và cách thức gia nhập mạng lưới hệ thống dữ liệu trích dẫn quốc tế”. Đây là chủ đề có ý nghĩa rất thiết thực đối với chủ trương hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ của Việt Nam.

 Đại biểu tham dự Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Bộ GD&ĐT có ông Bùi Văn Ga – Thứ trưởng; ông Lê Trọng Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường cùng các chuyên viên của Bộ. Về phía Ủy ban điều hành Hệ thống trích dẫn khoa học ASEAN (ACI) có GS.TS Narongrit Sombatsompop – Chủ tịch ACIcùng các chuyên gia của ACI. Về phía trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD) có PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng; GS.TS Phạm Quang Trung – Phó Hiệu trưởng; cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban, khoa, viện trong trường. Tham gia Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các trường Đại học; đại diện lãnh đạo các tạp chí khoa học; các nhà nghiên cứu; các cán bộ, giảng viên trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Công bố khoa học và các chỉ số trích dẫn của bài báo, hệ số ảnh hưởng của tạp chí khoa học có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhà khoa học, tạp chí khoa học và các cơ sở nghiên cứu”. Đối với cơ sở giáo dục đại học, đây còn là một trong các tiêu chí quan trọng để tiến hành kiểm định, đánh giá, phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, trong đó, công bố quốc tế luôn được coi như thước đo năng lực nghiên cứu và khả năng hội nhập của các cơ sở giáo dục đại học, các nhà khoa học. Đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, trong quá trình đổi mới, cùng với các ngành kinh tế khác, giáo dục-đào tạo và nghiên cứu khoa học của nước ta đã nhanh chóng hội nhập với khu vực và thế giới. Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đề ra mục tiêu tăng trung bình 15-20% số lượng công bố quốc tế. Đến nay mục tiêu này cơ bản đã đạt được (giai đoạn 2011- 2015 tăng bình quân 19,5%). Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, số lượng công trình công bố quốc tế của nước ta vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, số lượng các tạp chí khoa học của nước ta xuất bản bằng tiếng nước ngoài còn ít ỏi làm hạn chế sự lan tỏa ảnh hưởng nghiên cứu khoa học của nước ta trên thế giới. Ông nhấn mạnh, để nâng cao số lượng và chất lượng các công trình công bố thì ngoài việc tiếp tục đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu khoa học, chúng ta cần phải quan tâm nâng cấp chất lượng các tạp chí khoa học trong nước theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trích dẫn khoa học quốc gia kết nối với hệ thống thông tin khoa học của khu vực và thế giới… Thứ trưởng Bùi Văn Ga tin rằng, với tinh thần làm việc tích cực, thảo luận một cách cởi mở và thẳng thắn của các nhà khoa học, Hội thảo “Hệ thống trích dẫn khoa học ASEAN và cách thức gia nhập mạng lưới dữ liệu trích dẫn quốc tế” sẽ đưa ra được những kết luận hữu ích, góp phần vào sự phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo của Việt Nam nói riềng và sự phát triển khoa học công nghệ trong Cộng đồng kinh tế ASEAN nói chung.

PGS.TS Hoàng Văn Cường phát biểu chào mừng Hội thảo

Thay mặt lãnh đạo trường ĐH KTQD, PGS.TS Hoàng Văn Cường nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đã tới tham dự Hội thảo “Hệ thống trích dẫn khoa học ASEAN và cách thức gia nhập mạng lưới dữ liệu trích dẫn quốc tế”. Phó Hiệu trưởng cho biết, từ năm 2012, Tạp chí Kinh tế và Phát triển của trường ĐH KTQD đã triển khai Dự án nâng cấp tạp chí đạt tiêu chuẩn quốc tế và đến tháng 10/2015 Tạp chí đã được xét duyệt vào hệ thống trích dẫn ASEAN (ASEAN Citation Index - ACI). Đây có thể nói là thành công bước đầu của Tạp chí Kinh tế và Phát triển trong lộ trình phát triển đạt chuẩn quốc tế. Tại Hội thảo này, Tạp chí Kinh tế và Phát triển – trường ĐH KTQD sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm việc nâng cao chất lượng tạp chí và làm thế nào để tạp chí được lựa chọn vào Hệ thống trích dẫn khoa học ASEAN, đồng thời mong muốn Hội thảo sẽ là cơ hội để mở rộng mối quan hệ hợp tác với các tạp chí trong nước và quốc tế. PGS.TS Hoàng Văn Cường khẳng định, trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục đại học Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, Hội thảo này sẽ là diễn đàn để các tạp chí khoa học của các trường đại học nói riêng, các tạp chí khoa học của Việt Nam nói chung cùng tìm hiểu, chia sẻ và trao đổi các biện pháp để nâng cao chất lượng, đưa ra những cách thức để được lựa chọn vào hệ thống ACI , Scopus và ISI.

GS.TS Narongrit Sombatsompop – Chủ tịch ACI  thuyết trình tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe phần thuyết trình của GS.TS Narongrit Sombatsompop với nội dung “Hệ thống trích dẫn khoa học Đông Nam Á (ACI): quá trình hình thành phát triển và quy trình bình duyệt tạp chí” và “Tiêu chí tuyển chọn tạp chí của ACI”; PGS.TS Lê Quốc Hội, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển trình bày tham luận “Kinh nghiệm nâng cấp Tạp chí Kinh tế và Phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế” và đề xuất kiến nghị về thành lập trung tâm trích dẫn khoa học Việt Nam (Vietnam Citation Index - VCI).


PGS.TS Lê Quốc Hội , Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển trình bày tham luận
 
Trong phần thảo luận, trên cơ sở báo cáo của các chuyên gia về kinh nghiệm xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu trích dẫn khoa học của ASEAN, kinh nghiệm về xây dựng và phát triển tiêu chí đánh giá và lựa chọn tạp chí khoa học vào hệ thống, các đại biểu tập trung thảo luận vào các vấn đề trọng tâm: Điều kiện để xây dựng và vận hành trung tâm trích dẫn khoa học Việt Nam (VCI); Phương thức kết nối với hệ thống trích dẫn khoa học của ASEAN; Định hướng nâng cấp tạp chí khoa học của các cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc tế, kinh nghiệm quốc tế về phát triển tạp chí khoa học trong nước lọt vào danh sách tạp chí uy tín của thế giới ISI, Scopus…; Các giải pháp hỗ trợ nâng cao chất lượng và số lượng các công trình công bố quốc tế và kinh nghiệm của các nước ASEAN.

Các đại biểu trong phần thảo luận của Hội thảo

Kết luận Hội thảo Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định Bộ giáo dục và đào tạo giao Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tạp chí khoa học Việt Nam tiến hành xây dựng Đề án thành lập Trung tâm trích dẫn Việt Nam (VCI) trong thời gian tới.

Với những kết quả đạt được, có thể nói Hội thảo “Hệ thống trích dẫn khoa học ASEAN và cách thức gia nhập mạng lưới dữ liệu trích dẫn quốc tế” có ý nghĩa rất thiết thực trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và là một phần hoạt động của Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được hình thành đầu năm nay.
Bài và ảnh: P.CTCT&QLSV