Xây dựng tiêu chí đánh giá điểm du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia ở Việt Nam- nghiên cứu trường hợp tại vườn quốc gia Cúc Phương

KT&PT, số 186 (II), tháng 12 năm 2012, tr. 107-116
Tóm tắt: Trong những năm gần đây du lịch sinh thái (DLST) đang trở thành một loại hình du lịch đặc trưng, được xem như “mốt thời thượng” trên thế giới và luôn duy trì với tốc độ phát triển từ 10 - 30% mỗi năm. Việc thiết kế và tạo ra các sản phẩm DLST nhằm nâng cao sự hài lòng của du khách được dựa trên cơ sở đầu vào là hệ thống các điểm DLST có khả năng hấp dẫn và lôi cuốn khách du lịch. Điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm DLST là ở các vườn quốc gia (VQG), khu bảo tồn thiên nhiên, các bản làng dân tộc và danh lam thắng cảnh… Trong đó, VQG được xem là nơi có điều kiện lý tưởng nhất để phát triển DLST. Để khai thác phát triển hiệu quả DLST tại các VQG, cần xây dựng các tiêu chí đánh giá điểm DLST nhằm xác định tiềm năng tài nguyên và hiện trạng khai thác DLST ở mỗi VQG. Đây là một trong những hướng nghiên cứu mới có ý nghĩa lớn về mặt lý luận cũng như thực tiễn đối với phát triển du lịch Việt Nam nói chung và hoạt động DLST tại các VQG nói riêng. VQG Cúc Phương là một điển hình về cảnh quan rừng nhiệt đới nguyên sinh còn sót lại trên núi đá vôi. Được thành lập sớm nhất ở Việt Nam1, VQG Cúc Phương đã trở thành một nơi điển hình thu hút các hoạt động tham quan, giải trí, học tập, nghiên cứu khoa học... của cả du khách trong và ngoài nước. Vì thế, đây sẽ là VQG được chọn làm dẫn chứng tiêu biểu cho việc áp dụng xây dựng các tiêu chí đánh giá điểm DLST tại các VQG ở Việt Nam.
Từ khóa: Điểm du lịch sinh thái, vườn quốc gia, tiêu chí đánh giá, Cúc Phương, vị trí điểm du lịch, sức hấp dẫn, sức chứa, độ bền vững, thời gian khai thác.
Tra cứu bài báo