Trình bày viết tắt, viết hoa, dữ liệu

Viết tắt
• Từ ngữ, thuật ngữ, tên địa danh tiếng Việt không được phép viết tắt. Ví dụ: phải viết đầy đủ “Thành phố Hồ Chí Minh” chứ không viết “Tp HCM”; hoặc phải viết “chủ nghĩa xã hội” thay vì “CNXH”.
• Từ ngữ, thuật ngữ và tên tổ chức bằng tiếng Anh được phép viết tắt, bao gồm cả tổ chức của Việt Nam có tên tiếng Anh. Các từ viết tắt chỉ được sử dụng sau khi chúng được tác giả giới thiệu sau cụm từ đầy đủ ở lần xuất hiện đầu tiên trong bài báo. Ví dụ: World Bank (WB) hoặc Small and medium-sized enterprises (SMEs), Tổng cục Thống kê (GSO),…
• Không viết tắt các cụm dưới 3 từ và trên 5 từ. Ví dụ: Không viết tắt "doanh nghiệp" thành DN.
• Không viết tắt hai cụm từ liên tiếp. Ví dụ: không viết tắt "ngân hàng thương mại cổ phần" thành NH TMCP.
• Các đơn vị đo lường thông dụng cũng được sử dụng ngay mà không cần giới thiệu. Ví dụ: km, cm, m.
* Lưu ý: Đối với các thuật ngữ hoặc tên tổ chức có từ tiếng Việt tương đương thì có thể dùng từ tiếng Việt ở lần xuất hiện đầu tiên, sau đó chú thích viết tắt. Ví dụ: Ngân hàng Thế giới (WB); Tổng sản phẩm quốc nội (GDP); Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI);…

Viết hoa
• Từ ngữ được viết hoa khi là danh từ riêng (tên riêng) và không viết hoa khi là danh từ chung. Các trường hợp điển hình bao gồm (nhưng không giới hạn):
- Tên các cơ quan - tổ chức: Ngân hàng Thế giới, Tổng cục Thống kê;
- Tên các cá nhân: Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp;
- Tên địa danh, địa điểm: Nhà hát Lớn, Hồ Hoàn Kiếm, Chùa Một cột.
* Lưu ý: Khi từ được viết hoa là một từ ghép và không phải tên riêng thì chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên của từ đầu tiên. Ví dụ:
- Nhà hát Lớn: “Nhà hát” là một từ ghép nên chỉ viết hoa chữ N trong “Nhà” và chữ L trong “lớn”;
- Ngân hàng Thế giới: “Ngân hàng” và “Thế giới” là hai từ ghép, chỉ viết hoa N trong “ngân hàng” và T trong “Thế giới”;
- Hồ Hoàn Kiếm: Vì “Hoàn Kiếm” là tên riêng nên toàn bộ 3 chữ cái đứng đầu đều được viết hoa.
• Tên các tổ chức hay thể chế được dùng trong cụm từ mà nó có vai trò là tính từ bổ nghĩa thì không viết hoa. Ví dụ: 
- Ngân hàng Trung ương Châu Âu: Viết hoa vì là tên riêng của một tổ chức;
- Các ngân hàng trung ương của các nước Châu Âu: Không viết hoa từ “ngân hàng trung ương” vì không phải danh từ riêng mà chỉ có vai trò bổ nghĩa.

Tên riêng
• Tên riêng của cá nhân, tổ chức, quốc gia hay địa danh được viết theo chuẩn tiếng Anh, trừ trường hợp tên đó đã có cách phiên âm khác đang được dùng phổ biến. Ví dụ:
- Theo chuẩn tiếng Anh: Philippines, Malaysia, Myanmar,…
- Tên Hán – Việt: Pháp, Mỹ, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Luân Đôn, Bắc Kinh,…
- Phiên âm từ tiếng Nga: Gruzia (thay cho Georgia), Latvia (thay cho Lithuania),…

Định dạng ngày tháng
- Định dạng ngày tháng tiếng Việt: ngày… tháng… năm…. Ví dụ: ngày 2 tháng 9 năm 1945 (không viết 2/9/1945);
- Định dạng ngày tháng tiếng Anh: tháng…, ngày… năm… (ví dụ: 3rd October, 2010).

Định dạng con số

• Định dạng con số trong tiếng Việt: dấu phẩy (,) được biểu trưng cho nhóm dãy số thập phân; dấu chấm (.) biểu trưng cho phân nhóm các dãy số hàng đơn vị, hàng chục hàng trăm hàng nghìn…Ví dụ: 
- 200,500 VND được hiểu là 200 phẩy 5 đồng; 
- 200.500 VND (được hiểu là 200 nghìn 500 đồng).
• Định dạng con số trong tiếng Anh: ngược lại với tiếng Việt: dấu phẩy (,) được biểu trưng cho phân nhóm các dãy số hàng đơn vị, hàng chục hàng trăn hàng nghìn…; Dấu chấm (.) biểu trưng cho cho nhóm dãy số thập phân.

Đơn vị đo lường
• Sử dụng hệ metric phổ biến tại Việt Nam. Nếu tác giả sử dụng các đơn vị thuộc hệ khác thì cần quy đổi sang hệ metric. Ví dụ: Đoạn đường này dài 10 dặm (tương đương khoảng 16,1 km).

Đơn vị tiền tệ
• Viết đầy đủ tên đồng tiền bằng tiếng Việt ở lần xuất hiện đầu tiên, sau đó chú thích và viết tắt 3 chữ cái theo chuẩn quốc tế. Ví dụ: 
- “Đồng Yên Nhật Bản (JPY) hôm nay tăng giá thêm 10%”; 
- hoặc “Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm giá đồng Việt Nam (VND) thêm 10%”.

Ghi chú (notes)
• Các ghi chú được đặt cuối bài báo, trước danh mục tài liệu tham khảo, được bắt đầu bằng tiêu đề “Các ghi chú”. Mỗi ghi chú phải được đánh số theo thứ tự tăng dần (1, 2, 3,…) và phải tương ứng với số đánh ghi chú trong nội dung bài báo.
• Các ghi chú phải ngắn gọn, chỉ sử dụng trong trường hợp thật cần thiết. 
* Lưu ý: Không sử dụng ghi chú cuối trang (footnote).