Sáng ngày 24/12/2020, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Viện Vật liệu Xây dựng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Năng suất, chất lượng và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam trong bối cảnh CMCN4.0 – Lĩnh vực xi măng và kính xây dựng” tại Viện Vật liệu Xây dựng. Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ “Nghiên cứu các giải pháp chủ yếu nâng cao năng suất, chất lượng và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, mã số RD40-19.
Tham dự Hội thảo, có ông Nguyễn Văn Huynh - Phó Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng; TS. Lưu Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng; ông Nguyễn Huy Thắng - Tổng Thư ký, Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam; ông Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam; ông Nguyễn Hoàn Cầu - Hội Xi măng Việt Nam. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học, Chủ nhiệm đề tài; TS. Trần Quang Yên - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số; cùng các chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà khoa học và thành viên đề tài.
Theo dự báo, đến năm 2025 ngành Xây dựng toàn cầu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 4,5% và phát triển mạnh ở khu vực châu Á, một số nước châu Phi và Trung Đông. Còn ở Châu Âu và các nước phát triển hướng tới xây dựng bền vững. Các công trình xây dựng trong tương lai sẽ chú trọng đến khả năng chịu lực, độ bền theo thời gian, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất và xây lắp, và đặc biệt phải thích ứng với khí hậu tại nơi xây dựng.
PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học, Trường ĐH KTQD - Chủ nhiệm Đề tài, Chủ trì Hội thảo và Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài
Tại Hội thảo, PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học đã đề cập đến một số giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất xi măng, kính xây dựng tại Việt Nam như: Ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nguyên liệu tái chế, nhiên liệu thay thế, cơ chế quản lý siết chặt đối với sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường; Nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý môi trường sạch hơn, sử dụng phế thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế, nghiên cứu giảm tiêu hao năng lượng; nghiên cứu công nghệ khai thác, xây dựng quy hoạch khoáng sản có tính đến biến đổi khí hậu; Chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, kỹ thuật, đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, đội ngũ chuyên gia giỏi đủ trình độ nắm bắt thông tin khoa học kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; Nâng cao năng lực chế tạo cơ khí trong nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của ngành. Trước mắt sản xuất các chi tiết, phụ tùng thay thế phục vụ việc sửa chữa, giảm tỉ lệ nhập khẩu, tiến tới nghiên cứu , chế tạo các thiết bị, phụ tùng thay thế cho các dây chuyền sản xuất một số chủng loại vật liệu xây dựng.
TS. Lưu Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện VLXD Chủ trì Hội thảo
Hội thảo đã nhận diện và đánh giá xu hướng phát triển các loại vật liệu xây dựng (VLXD), từ đó đánh giá ảnh hưởng tới ngành sản xuất VLXD trên thế giới và tại Việt Nam; Đánh giá năng lực, năng suất, chất lượng và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp VLXD ở Việt Nam, tập trung vào ngành sản xuất xi măng và kính; Nhận diện những khó khăn, bất cập tác động tới sự vận hành của các doanh nghiệp sản xuất VLXD ở Việt Nam trong bối cảnh CMCN4.0; Thảo luận giải pháp chính sách nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp VLXD Việt Nam trong bối cảnh mới.
ThS. Lê Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Phát triển Vật liệu Xây dựng trình bày tham luận
Đại diện công ty Thysenkrupp trình bày tham luận
Ban chủ nhiệm đề tài và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Nguồn: Cổng thông tin NEU