Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chính thức công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019: "Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số"

Sáng nay 20/4/2020, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã chính thức công bố ấn phẩm "Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019: Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số”. Đây là ấn phẩm xuất bản hàng năm của Nhà trường nhằm đánh giá tổng quan kinh tế, triển vọng kinh tế năm tiếp theo và nghiên cứu một chủ đề quan trọng trong năm.

Ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019” của Đại học Kinh tế Quốc dân do GS.TS Trần Thọ Đạt và PGS.TS Tô Trung Thành đồng chủ biên

NSLĐ có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Năng suất thấp là yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và tính bền vững. Thúc đẩy tăng trưởng năng suất hiện đang là mục tiêu quan trọng được Việt Nam chú trọng. Đồng thời, trong bối cảnh những động lực tăng trưởng hiện có đang trở nên dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số (KTS) mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức NSLĐ tổng thể nền kinh tế.

Trong những năm sắp tới, sự phát triển của KTS chắc chắn sẽ là một trong những động lực tăng năng suất mới. Tự động hóa, số hóa sẽ dần thay thế nhiều khâu trong quy trình sản xuất của nhiều ngành kinh tế, góp phần làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận và sử dụng ít lao động hơn. Công nghệ số có khả năng ứng dụng ở hầu hết các ngành kinh tế, có thể tạo nên những thay đổi lớn về phương thức sản xuất và NSLĐ trong các ngành kinh tế. Một số ngành có thể sớm tận dụng lợi thế của công nghệ số để tạo nên thay đổi lớn về sản lượng, năng suất như: Công nghiệp CBCT, vận tải - logistic, tài chính - ngân hàng, y tế, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao… Công nghệ số sẽ làm thay đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu ngành và thậm chí kinh tế ngành theo những cách chưa từng có.

Vì vậy, việc nghiên cứu xem xét tác động của KTS số đến NSLĐ của các doanh nghiệp (DN), các ngành kinh tế, các khu vực kinh tế cùng với các xu hướng, khả năng dịch chuyển lao động giữa các ngành, các khu vực kinh tế sẽ giúp Việt Nam nhận diện rõ ràng hơn về những động lực mới mà KTS đem lại; từ đó có thể đề xuất được các giải pháp phù hợp thúc đẩy tăng trưởng NSLĐ tổng thể của nền kinh tế trong giai đoạn chiến lược 2020 - 2030 sắp tới.

PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD tại buổi công bố ấn phẩm

Chia sẻ về ấn phẩm, PGS.TS Phạm Hồng Chương cho biết, ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019 một trong những ấn phẩm vô cùng quan trọng của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ấn phẩm không chỉ thể hiện ý kiến của Nhà trường đối với những vấn đề lớn về kinh tế xã hội của đất nước mà quan trọng hơn nó còn thể hiện tinh thần và mong muốn đóng góp kiến nghị của Nhà trường. Chính vì vậy Nhà trường luôn tập trung nguồn lực tốt nhất để bảo đảm báo cáo đạt được chất lượng cao nhất. Kết quả của báo cáo này sẽ được chuyển đến các cơ quan quản lý như Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Ban kinh tế Trung ương, Văn phòng TW Đảng và các cơ quan khác nhằm truyền tải những chính sách của Nhà trường đối với những vấn đề lớn đất nước.

GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng trường, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ

GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng trường, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời là đồng Chủ biên ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019 chia sẻ, trong bối cảnh ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số giữ một vai trò ngày càng quan trọng. Vì vậy ấn phẩm “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019: Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số” của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm nay nhằm đánh giá về kinh tế Việt Nam năm 2019 và xây dựng kịch bàn kinh tế cho năm 2020 và những năm tiếp theo hướng tới chủ thể là nền kinh tế số và vai trò của kinh tế số với tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam. Những phân tích trong cuốn sách mặc dù dựa trên những nền tảng khoa học và cơ sở những dữ liệu phân tích đánh giá thực tế nhưng được chuyển tải khá dễ hiểu. Chúng tôi hy vọng ấn phẩm sẽ mang đến những thông tin quan trọng, hữu ích tới đông đảo bạn đọc, độc giả.

Ấn phẩm năm nay có các mục tiêu: (i) Đánh giá diễn biến kinh tế năm 2019 (những thành tựu và những tồn tại, đánh giá nguyên nhân, phân tích cơ hội - thách thức) và triển vọng năm 2020; (ii) Phân tích chuyên sâu thực trạng NSLĐ tổng thể của nền kinh tế, nghiên cứu tác động của KTS đến NSLĐ, dự báo tăng trưởng NSLĐ trong bối cảnh KTS cho đến năm 2030; (iii) Đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm gia tăng nhanh năng suất tổng thể nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới. 

Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam định lượng tác động của KTS đến NSLĐ các ngành, các khu vực của nền kinh tế; đồng thời cũng dự báo tác động của KTS đến NSLĐ tổng thể cho đến năm 2030. Báo cáo không những nghiên cứu năng suất ở khu vực chính thức, mà còn nghiên cứu ở khu vực phi chính thức, cá thể. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng có nghiên cứu định lượng đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế và những khuyến nghị chính sách ứng phó với dịch bệnh.

Trong ấn phẩm, nhóm nghiên cứu cho rằng, tác động của dịch Covid-19 có thể khiến nền kinh tế bị tác động một cách mạnh mẽ và lâu dài. Kinh tế sẽ suy giảm nhanh chóng do giảm mạnh ở cả tổng cung (các doanh nghiệp suy giảm sản xuất, đứt gãy nguồn cung đầu vào,....) và tổng cầu (nhu cầu tiêu dùng trong nước và đầu tư sản xuất suy giảm, xuất khẩu giảm mạnh...). Trong khi đó, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn với thế giới (năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP đã lên đến 200%, cao nhất trong khu vực), khu vực đối ngoại lại đang là đầu tầu cho tăng trưởng trong những năm qua, nên mức độ tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế sẽ bị khuyến đại nhiều hơn. Nếu dịch bệnh chỉ kéo dài 2-3 tháng, đa phần các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vẫn có thể chịu đựng được. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài hơn, khả năng nền kinh tế có thể rơi vào thời kỳ suy thoái là rất cao nếu không có những giải pháp đột phá và quyết liệt.  

PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD tại buổi công bố

PGS.TS. Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, các doanh nghiệp hiện nay còn e dè với kinh tế số bởi nhiều nguyên nhân. Việc đầu tư hạ tầng cho ứng dụng công nghệ thông tin và kinh tế số chưa thực sự đồng bộ và đôi khi là những rào cản để những doanh nghiệp có thể ứng dụng kinh tế số nhưng chưa chắc đã kết nối được với nền kinh tế. Hiện nay, chúng ta vẫn có thói quen quản trị theo tính chất về mặt thủ công, thậm chí là không muốn công khai minh bạch. Khi chuyển sang quản trị về kinh tế số đòi hỏi chúng ta phải thay đổi một cách căn bản tư duy về quản trị, phải công khai, minh bạch và quản định theo một hệ thống. Những doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển một cách hệ thống, bài bản và muốn đi lên không phải dựa vào những kẽ hở của luật pháp và chính sách thì chúng ta phải mạnh dạn ứng dụng kinh tế số và như vậy không chỉ tạo ra được hướng phát triển của doanh nghiệp theo xu thế của nền kinh tế của thời đại mà chúng ta cần thay đổi căn bản về nội dung quản trị của doanh nghiệp. Đây sẽ là một yếu tố đòi hỏi ta phải đầu tư công nghệ và đầu tư về mặt tư duy quản trị.

PGS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học Trường ĐH Kinh tế Quốc dân giới thiệu sơ lược về ấn phẩm

Theo PGS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học, đồng chủ biên ấn phẩm cho biết, ấn phẩm năm nay đã chọn được chủ đề quan trọng đó là Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số. Thông điệp chính của ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019 đó là trong bối cảnh nền kinh tế bị tổn thương bởi các cú sốc lớn như dịch Covid-19 là lúc để chúng ta cần phải xem lại nền tảng của nền kinh tế và là cơ hội để tái cấu trúc. Một tồn tại trong những nền tảng quan trọng của nền kinh tế là năng suất lao động của Việt Nam hiện giờ đang ở mức rất thấp và ngày càng tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; các động lực để tăng trưởng năng suất trở nên dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả. Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức NSLĐ tổng thể nền kinh tế, từ đó đạt được phát triển bền vững và đồng thời chống đỡ được các cú sốc từ bên ngoài.

Ấn phẩm đã đưa ra 4 kịch bản của KTS và dự báo NSLĐ đến năm 2030 trong bối cảnh Kinh tế số. Theo đó, ở Kịch bản 1: Nền kinh tế chuyển đổi số chậm: Tốc độ tăng NSLĐ trung bình là 6,25% mỗi năm, trong đó, riêng KTS đóng góp 0,43%. Ở Kịch bản 2: Nền kinh tế đã chuyển đổi số sẽ gia tăng ứng dụng công nghệ số và phát triển ngành CNTT: Con số tương ứng là 6,97% và 1,15%, mức tăng NSLĐ cũng như đóng góp của KTS là cao nhất trong các kịch bản. Ở Kịch bản 3: Nhà xuất khẩu số khi ngành CNTT Việt Nam phát triển dựa vào hoạt động thuê ngoài cho các quốc gia khác, tuy nhiên, sự áp dụng các công nghệ số nội bộ ở khắp các ngành còn thấp; con số tương ứng là 6,32% và 0,50%. Ở Kịch bản 4: Nhà tiêu dùng số khi ngành công nghiệp của Việt Nam sử dụng các sản phẩm và dịch vụ CNTT từ các quốc gia khác; con số tương ứng là 6,50% và 0,68%.

Như vậy, tính cho cả giai đoạn 2020 - 2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng KTS đóng góp từ 7% cho đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng NSLĐ tổng thể. Theo đó, có thể thấy đóng góp của KTS là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế, và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng NSLĐ.

Buổi họp hoàn thiện nội dung và lên thiết kế bìa cho Ấn phẩm thường niên 2019 trước đó

Buổi họp nghiên cứu báo cáo ảnh hưởng Covid đến nền Kinh tế Việt Nam, ấn phẩm cũng nêu ra những đánh giá và nghiên cứu liên quan đến vấn đề dịch bệnh Covid-19

Các tin khác